Huyện đảo Phú Quốc tổng diện tích 593,05km2, với 28 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất trong quần thể 27 đảo tại đây.
Theo địa bạ triều Nguyễn được lập năm 1836 vào thời điểm này Phú Quốc có 10 thôn gồm: An Thới, Dương Đông, Mỹ Thanh, Phú Đông, Thới Thạnh, Cẩm Sơn, Hàm Ninh, Tân Tập, Phước Lộc và Tiên Tỉnh. Ngày nay, chúng ta có thể tạm hình dung: An Thới, Dương Đông và Hàm Ninh là địa danh phù hợp vị trí hiện nay, còn Phước Lộc, Thới Thạnh có thể là khu vực Bãi Bổn, Bãi Thơm; Cẩm Sơn thuộc Khu Tượng, Phú Đông, Mỹ Thạnh có thể là xã Dương Tơ. Khi thực dân Pháp chiếm đóng, Phú Quốc là một quận bao gồm cả quần đảo Thổ Chu, An Thới và một số đảo lân cận, được chia thành các làng An Thới, Dương Đông, Hàm Ninh và Phú Dự; có lúc An Thới được sáp nhập vào Dương Đông.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chính quyền kháng chiến được thành lập làng Dương Tơ bao gồm cả An Thới, lập làng Cửa Cạn, sau đó nhập Cửa Cạn và Dương Đông thành Cửa Dương. Xã Hàm Ninh lúc đó đổi tên thành Bãi Bổn. Sau năm 1954 thành lập thị trấn Dương Đông tách ra khỏi xã Cửa Cạn. Sau khi chiến tranh biên giới kết thúc, nhân dân các nơi về sinh sống trên đảo khá đông nên huyện Phú Quốc thành lập thêm nhiều xã mới. Trên đảo hiện có: Thị trấn Dương Đông, An Thới và các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu, Dương Tơ, Hàm Ninh. Quần đảo An Thới được tách ra thành xã Hòn Thơm. Quần đảo Thổ Chu thành lập xã Thổ Châu.
Nói đến Phú Quốc không thể không nhắc đến một nơi thể hiện lòng kiên trung, ý chí kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng trực tiếp đối chọi với sự tàn bạo của kẻ thù – đó là nhà tù Phú Quốc (Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam – Phú Quốc). Trong suốt gần 100 năm chống Pháp và suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, biết bao nhiêu máu và nước mắt của dân và quân Phú Quốc đã đổ xuống, biết bao chiến sĩ anh dũng hy sinh… Người dân trên đảo đã viết nên trang sử hào hùng, đã tạo nên một “huyền thoại Phú Quốc” thấm đẫm máu của hàng ngàn, hàng vạn những người yêu nước, yêu đảo, căm thù giặc ngoại xâm…
Từ lâu đời Phú Quốc được mệnh danh là hòn “đảo ngọc” mang vẻ đẹp hoang sơ, với những bãi biển đẹp, như Bãi Sao, Bãi Dài và hàng chục bãi biển hoang sơ khác. Du khách có thể tham quan Phú Quốc theo ba hướng chính là bắc, nam và đông đảo. Các địa danh ở bắc đảo gồm khu bảo tồn thiên nhiên bắc đảo, núi Hàm Rồng, Gành Dầu, Cửa Cạn, Bãi Dài, suối Đá Ngọn, Đá Bàn, đền thờ Nguyễn Trung Trực. Những điểm ở nam đảo là nhà tù Phú Quốc, suối Tranh, bãi Khem (bãi Kem), vườn tiêu sinh thái, nhà thùng sản xuất nước mắm, cơ sở sản xuất ngọc trai. Những điểm đến còn lại là Dinh Cậu, chợ đêm, làng chài Hàm Ninh, bảo tàng Cội Nguồn, chùa Sư Muôn (Hùng Long tự)… Nơi đây còn có các hoạt động hấp dẫn khác du khách nên thử là câu mực đêm, khám phá rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn sinh thái suối Đá Ngọn hoặc Gành Dầu, câu cá khám phá Hòn Dăm, Hòn Thơm, mũi Ông Đội, lặn biển ngắm san hô, chạy xe xuyên rừng quốc gia.
Hãy cùng Lữ Hành Tour tham gia lịch Phú Quốc :
Du lịch Phú Quốc khởi hành từ Tây Ninh
Du lịch Phú Quốc khởi hành từ Bến Tre
Du lịch Phú Quốc khởi hành từ Tiền Giang